Kỹ thuật câu
TIN TỪ HANOIFISHING
Loại sản phẩm: Hãng sản xuất:

KỸ THUẬT CÂU CÁ BASS BẰNG MỒI GIẢ

Vài điều sơ lược về kỹ thuật rê cá bass cơ bản


Nếu các bạn đã từng thử câu mồi giả, các bạn sẽ thấy có cả trăm loại mồi đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức phục vụ cho việc câu này. Ở đây, tôi sẽ chủ yếu nói về loại mồi phổ biến nhất là “crankbait” (Xin được sử dụng nguyên từ này trong suốt bài dịch vì tôi cũng chưa làm quen hết tất cả các loại mồi giả, nên cũng chưa biết tên gọi của loại mồi này theo thuật ngữ tiếng Việt là gì - ND), và đã từng có ít hoặc nhiều thành công. Hãy dành chút thời gian và cùng chia sẻ nhé, bài viết này có thể sẽ mang tới cho bạn một chút hiểu biết hơn về hình thức câu mồi giả.

Đầu tiên, chúng ta sẽ hướng sự tập trung vào một trong những thành viên của dòng họ nhà cá thái dương (sunfish) nhé, đó là cá bass (tiếng Việt có thể là cá vược hoặc cá chẻm? - ND) . Phần lớn trong suốt thời gian kiếm ăn, cá bass thường có xu hướng kiếm mồi ở những tầng nước thấp và rất thấp. Có rất nhiềy lý do giải thích về sự “chuyển dịch” từ tầng nước cao tới tầng nước thấp này của cá bass, và một trong những lý do này xuất phát từ việc trốn tránh sự “truy sát” của các “ngư ông” cứ “ nện” với “giã” mồi giả ầm ầm xuống nước khu vực gần bờ hết ngày này qua tháng nọ….vậy thì, khi mà các bạn không thể tìm thấy bóng dáng của một vài con bass ở tầng nước cao này, hãy bắt đầu tìm kiếm ở những tầng nước thấp hơn.

Ở những tầng nước thấp, nơi mà có thể sẽ có những rạng đá lớn, hoặc có khi là cả một “cánh rừng” toàn cỏ nước và tảo, chà cây…và thậm trí có thể là cả vài cái xe hơi bị “ bỏ quên” dưới lòng hồ từ đời nào cũng chả ai hay. Thường thì, các “ngư ông” khi đi câu cá bass, có thể đã rất hiểu về vị trí địa lý cũng như cấu trúc lòng hồ, hoặc họ cũng có thể “góp nhặt” những thông tin về lòng hồ từ những bản đồ địa lý của hồ, hoặc cũng có thể xuất phát từ những kinh nghiệm của những người đi trước.

Khi bạn đã thiết lập được một điểm câu ưng ý và độ sâu của điểm câu đó, hãy bắt đầu lựa chọn loại mồi crankbait phù hợp. Có thể, hầu hết các bạn đều đã biết một nguyên tắc là con mồi giả nào có cái “môi” nhựa trên mũi càng lớn thì con mồi đó càng có khả năng “lặn” sâu dưới nước. Tôi thường có thói quen sơn những thông số về độ sâu thích hợp với con mồi của mình lên chính bản thân nó để thuận tiên cho việc sắp xếp và tìm kiếm sau này khi mà trong hành trang của bạn có tới cả trăm con mồi lớn, bé nằm xếp lớp!

Bắt đầu, tôi sẽ thử cho con mồi crankbait đầu tiên của tôi bơi ở độ sâu 15-18 bộ (khoảng 5.4m), với loại mồi này, tôi sẽ thử để xác định xem con cá bass sẽ có “dự định” bơi lên trên để thăm dò? hay vẫn “lì lợm” yên vị ở khu vực của chúng. Sau vài lần thu dây, bạn sẽ cảm nhận được việc thử này. Nếu bất thành, con mồi crankbait thứ hai sẽ tiếp tục được đưa xuống, con này sẽ có khả năng “vượt chướng ngại vật” ở tầng nước sâu hơn con đầu tiên vài bộ. Điều này bởi lẽ tôi muốn con mồi sẽ có (bị) một “cú đập” nơi đáy hồ, cú đập này sẽ tạo ra một tiếng động lớn nhất định khi va chạm đáy hồ có kết cấu cứng (vỉa đá ong), hoặc với đáy hồ mềm thì khi con mồi này chạm đáy sẽ tạo ra một chút quầng của bùn hoặc cát vàng mà chúng ta có thể nhận biết được trên mặt nước. Tại sao vậy? Vì tiếng động và sự va chạm sẽ gây ra sự chú ý của bầy cá và rất có thể sẽ chọc tức bầy cá, kích thích chúng tấn công để bảo đảm sự “no đủ” hoặc ít nhất là cũng để “giật le” với bầy đàn xung quanh.

Trường hợp sau một vài “cú đập” với vài vòng quay, nếu không có phản ứng ngược của lũ cá quanh đó vì có thể chúng lại đang ở tầng nước thấp hơn nữa, từ 30-40 bộ ( khoảng 12 m) chẳng hạn, tôi sẽ phải chuyển sang dùng lưỡi câu nhảy (jighead) kết hợp cùng với một sợi thẻo Carolina 1oz (khoảng 28g), chúng ta sẽ bàn về loại thẻo này trong bài khác. Một điều nữa, với bất cứ việc “trình diễn” mồi giả nào, hãy luôn luôn bắt đầu rê mồi với vận tốc hơi nhanh. Nếu không có cảm nhận cá “hớp” mồi, ngừng việc thu dây, và lại bắt đầu thu dây chậm hơn so với ban đầu, cứ thế tiếp tục. Môt khi con bass đã “nói” cho bạn biết” cách thức nó tấn công con mồi của bạn như nào, bạn sẽ tìm thấy được cách câu cho mình và đảm bảo bạn sẽ có môt thành quả khá khá, cho dù có thể bạn có thể sẽ phải dùng tới dầu nóng để bóp tay khi quay về nhà.

Tương tự, loại cần câu phù hợp với loại mồi crankbait này nên có trọng lượng từ nhẹ tới trung bình, có độ nhuyễn đầu cần, cũng như có độ dài tối ưu từ 6bộ6 tới 7 bộ (khoảng từ 1m98 tới 2m1). Đầu cần nhuyễn sẽ dễ dàng hơn cho chú bass hớp con cá mồi, đồng thời chúng ta sẽ không bị phản ứng ngược nơi đầu cần, điều mà có thể gây ra tình trạng nổ dây bất cứ lúc nào. Đồng thời, loại máy câu phù hợp nhất là loại máy có vòng quay từ 4:1 tới 5:1.

MỒI CRANKBAITS

Chúng ta hãy bàn kỹ hơn 1 chút về loại mồi crankbait nhé. Đặc thù là loại cá mồi có môi bằng nhựa trong, loại cá mồi này có thể lặn sâu trong suốt thời gian chúng ta thu dây về. Chúng thường có mình nhỏ, giống hình cá trích, và thường có tốc độ lặn sâu khoảng 1 bộ (30cm) trên một giây đồng hồ.

Crankbaits là loại mồi được các “ngư ông” lão luyện ưa dùng bởi vì khi chúng ở dưới nước thì có tính năng hoạt động giống mấy chú chó cứ thích nhảy choi choi đuổi chim bắt bướm, và cách vận động này của mồi crankbait sẽ kích thích tính hung dữ của đám cá bass. Một trong những thuận lợi nhất khi sử dụng loại mồi này (đặc biệt là loại chuyên được thiết kế để lặn sâu) là hầu như phù hợp với tất cả các vùng nước mà bạn có thể tới câu, và không quan tâm lắm tới cấu trúc lòng hồ câu. Đồng thời, thích hợp cho những chú bass ở các tầng nước từ 10 – 20 bộ (khoảng 6m).

Mồi crankbait được thiết kế theo kiểu chuyển động đa dạng, và khi các “ngư ông” dùng kỹ thuật thu hồi dây đều tay và nhẹ nhàng, cái môi nhựa chìa ra sẽ giúp chúng dễ dàng lặn sâu hơn các loại mồi khác. Một điều nữa, điểm đặc trưng của hầu hết các loại mồi giả nói chung và mồi crankbait nói riêng là loại mồi phản ứng, có nghĩa là chú bass sẽ không tấn công con mồi vì chúng chẳng bao giờ để ý tới lũ cá xung quanh, nhưng chú bass sẽ tấn công con cá mồi vì chú ta cảm thấy bị “xúc phạm” khi có cái con gì đó “ hiên ngang” vượt mặt.

Độ lặn sâu của mồi crankbaits

Độ sâu mà con mồi crankbait sẽ lặn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích cỡ dây câu, thiết kế của con mồi và tốc độ thu hồi dây. Tổng quan, mồi crankbait sẽ lặn sâu hơn khi sử dụng với tốc độ thu dây chậm, cùng với dây câu nhẹ, và với một khoảng cách mồi được quăng xa thích hợp. Bên cạnh đó, như đã nói bên trên, mồi crankbait có môi nhựa dài sẽ lặn sâu và có một chu kỳ lắc mình lớn hơn loại crankbait có môi nhỏ hoặc không có môi.

Do đó, để có được một độ sâu tối ưu cho mồi crankbait, hãy sử dụng dây câu nhẹ, nhưng không được quá nhẹ, tối thiểu là loại dây có lực kéo khoảng 4.5kg (10Lb). Loại dây có tính năng co giãn cao cũng thường được sử dụng nhiều. Đồng thời, nên luôn thay đổi độ lặn sâu của mồi crankbait bằng cách nâng cao hoặc hạ thấp đầu cần câu kết hợp cùng tốc độ thu hồi dây tương ứng.

Sử dụng mồi carnkbait ở đâu và như nào?

Mồi crankbait rất có hiệu quả với câu cá bass trong những tình huống sau:

- Đáy hồ có sỏi nhỏ, cát vàng hoặc bùn, vùng đầm lầy

- Đáy hồ có nhiều đường rãnh, hố sâu, gồ ghề…bị bồi lấp bởi dư động địa chấn…

- Đáy hồ có gốc cây, nhiều đá tảng, xác xe cộ…

Lưu ý rằng mồi crankbait hoạt động tốt ở những khu vực có nhiều rìa/vỉa đá ngầm hoặc những nơi có nhiều thân cây, gốc cây. Và không phù hợp lắm ở những đáy hồ có thảm cỏ nước/tảo dày đặc. Cho dù có nhiều “ ngư ông” có biệt tài rê mồi crankbait có “kiểm soát” dọc theo bờ rìa của những thảm cỏ nước/tảo hoặc thậm chí họ có thể kiểm soát con mồi crankbait “lướt” trên mặt những thảm cỏ nước/tảo khổng lồ, nhưng hầu hết đều không ai muốn “gửi lại” những con mồi thân yêu của mình tại những nơi này.

Một số cách thu hồi dây đơn giản và hiệu quả:

“Quỳ và quay” : Với cần câu dài, sử dụng loại crankbait có thiết kế để lặn sâu và thường xuyên “nhúng” đầu cần xuống mặt nước để tăng thêm được vài cm độ sâu cho mồi

“Dừng và chạy”: Quay nhanh máy câu vài vòng tua, rồi dừng lại vài giây. Điều này làm cho mồi crankbait sẽ dừng đột ngột, rơi tự do một vài giây đồng hồ rồi sau đó lại phóng vọt đi một cách tự nhiên (theo tốc độ thu dây của “ngư ông” trên bờ). Tiếp tục quay máy câu, và lặp lại

“Va chạm đáy”: Kỹ năng này có hiệu quả trong cả hai cách câu mồi crankbait ở tầng nước thấp và cao. Thả mồi crankbait chạm đáy và “kéo lê” con mồi trong bùn hay sỏi đá làm sao cho nó “khuấy động” đáy hồ. Để có thể làm được cách này, phải làm sao cho con mồi crankbait lặn sâu hơn độ sâu của nước. Hãy làm thử vài lần và bạn sẽ có những cảm nhận khác nhau về đáy hồ thông qua cảm nhận từ con mồi. Cảm giác bị hút chặt dưới đáy có thể cho ta biết bên dưới là rạng đá hoặc sỏi; cảm giác kéo nhẹ và êm có thể là trên cát và mềm mại cùng với lùng nhùng có thể là chúng ta đang buông câu trên thảm cỏ nước/tảo…

“Xé toạc” : Quay máy câu vài vòng tua để mồi cranbait đạt được độ sau tối ưu rồi bất thình lình đẩy nhanh và nhẹ cần câu ra phía sau, nhằm tạo cho con mồi crankbait bất ngờ “ bổ nhào” xuống sâu hơn 1 chút. Sau đó thu hồi dây câu cho căng rồi tiếp tục lặp lại từ đầu.

Màu sắc mồi cranbait

Màu sắc của con mồi rất quan trọng khi mà chúng “rất cần” được nhận biết trong làn nước xanh trong, hoặc đục mờ mờ. Đối với cá bass, mồi crankbait nên được kết hợp theo những nguyên tắc phối màu chung. Những màu phổ biến nhất của mồi cranbait nên có trong hộp đồ câu của bạn là màu bạc và đen (mô hình cá trích); xanh lá và bạc (mô hình cá trích vùng Tenessee); màu nhũ vàng; màu cam và nâu (mô hình tôm lóng)…hoặc nếu hồ nước bạn muốn câu có ánh hắt vàng, hãy dùng mồi crankbait có màu vàng kim.

Những loại mồi có màu phản quang có hiệu quả trong nhiều môi trường và điều kiện câu. Một loại màu kết hợp rất phổ biến khác nữa là xanh lá phản quang (tương tự màu lục nhạt của cá trích cao su…); hoặc mồi crankbait có bụng vàng với mình chấm đen sẽ phù hợp trong nước đục hoặc trong những ngày có nhiều mây; màu đỏ có hiệu quả khi câu trong những đáy hồ có nhiều cỏ nước/tảo trong cả môi trường nước trong và nước đục. Nhưng, trớ trêu là có tới 80% những lần cá hớp mồi lại xuất phát từ kỹ thuật thu hồi dây của bạn mà không phải là từ màu sắc của mồi!

Mách nước:



- Để hấp dẫn cá bass hơn, hãy vừa lắc tay vừa thu hồi dây.

- Nếu cá mồi ‘rẽ” phải, hướng dây câu sang trái và ngược lại

- Để có cảm giác tốt hơn, cầm cần câu thấp tay, giữ góc 90 độ giữa dây và cần câu (hãy làm thử nhiều lần)

- Khi có cảm nhận cá bass đã hớp, đừng giật xốc cá mà hãy quay nhanh tay máy câu, mấy lưỡi câu ba tiêu nhỏ bé đi cùng mồi rất dễ…đi theo cá khi bị giật mạnh

- Độ sắc của lưỡi câu rất quan trọng. Rất nhiều “ngư ông” lão luyện thường hay thay lưỡi câu đi kèm mồi crankbait bằng mấy loại lưỡi câu sản xuất riêng, có độ sắc và tính bền cao hơn.

- Thường xuyên kiểm tra dây câu/thẻo câu của bạn khi sử dụng với mồi crankbait, khi mà những rạng đá, vài hòn sỏi nhỏ hoặc gốc cây…sẽ làm xơ dây câu của bạn rất nhanh.

- Để tạo cho mồi crankbait của bạn có thể lặn sâu hơn, thử đính thêm chì kẹp hoặc vòng đệm dài khoảng 8-10 inch (khoảng 25cm) lên phía trên mồi, hoặc dùng loại thẻo Carolina kết hợp với cục chì 1/2oz (khoảng 14g)

- Sử dụng khoá mở cùng với dây/thẻo cột mồi crankbait để khi cần bạn có thể dễ dàng thay mồi.

- Nếu sự rung/lắc của cá mồi thay đổi, có nghĩa mồi của bạn đã chạm đáy. Nếu không còn cảm nhận được sự rung/lắc từ con mồi, có thể bạn đã dính cá.

- Xả bớt mobin máy câu khi mà con bass đã được kéo tới gần thuyền/bờ

- Hãy nhớ rằng, ở một vài khu vực, mồi crankbait thường bắt được cá nhỏ hơn so với mồi cao su có gắn lưỡi nhảy (jighead)

- Hãy tập trung vào tốc độ thu hồi dây cũng như luôn quan tâm tới độ sâu của hồ

- Hãy lựa chọn những con mồi crankbait hơi “ầm ĩ” (phát ra âm thanh lớn – ND) cũng như có màu sáng, rực rỡ.

(Nguồn: HỘI QUÁN BẠN CÂU )